Thiêng liêng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Ngày đăng: 13/04/2017
Sáng 12-4 (nhằm ngày 16-3 âm lịch), tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm du khách cùng người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã làm lễ khao lề thề lính Hoàng Sa. Đây là lễ dâng hương, tri ân công đức các bậc tiền nhân từng giong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa mở cõi cắm mốc, khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước.
Vào sáng sớm, lễ rước vong linh các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được cử hành từ nơi thờ phụng là âm linh tự, về Đình làng An Vĩnh. Đình làng này là nơi cách đây hàng trăm năm, trước khi lên đường đi Hoàng Sa, Trường Sa, những người đăng lính lại tập trung về để tế tự. Sử sách còn ghi lại, hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển, ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng tiến ra quần đảo Hoàng Sa.
Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực thi nhiệm vụ vua ban, những dân binh lênh đênh trên biển bằng những chiếc thuyền câu mong manh trong suốt 6 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch.
Để nguyện cầu sự bình yên cũng như xua đuổi rủi ro cho những binh phu đi Hoàng Sa, những hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… sẽ được bỏ chung cùng thuyền lễ bằng cây chuối rồi đem thả ra biển. Giữa bập bềnh sóng gió, hình nhân sẽ là kẻ thế mạng cho người đăng lính.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được tổ chức từ nhiều đời nay. Vào những năm sau này, lễ càng thu hút nhiều người dân khắp nơi trong cả nước về Lý Sơn. Vì thế, đây còn được coi như lễ hội của lòng yêu nước, góp phần quan trọng vào việc xác định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Ông Dương Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lý Sơn, cho biết: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các tộc họ trên đảo được bảo tồn, duy trì suốt 400 năm qua. Đây là nghi lễ đã thấm sâu trong tiềm thức người dân, giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, nhằm giữ vững và tiếp nối truyền thống của các binh phu Hoàng Sa thuở trước”.
Nguồn: anninhthudo.vn