Ngư dân và hành trình hướng biển

Người Việt đặt chân trên đất Quảng Ngãi, cùng với việc khai hoang lập ấp, vỡ ruộng trồng lúa khoai là khai thác các loài thuỷ sản (rong biển, ốc, cua, cá) làm thực phẩm. Ban đầu ở cửa sông, ghềnh biển, sau ra dần đến lộng, xa nữa là đánh cá ngoài khơi.

 

Suốt một thời gian rất dài, việc nhặt lượm thuỷ sản, dùng công cụ thô sơ để đánh bắt tôm cá chỉ mang tính tự cấp, tự túc, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong gia đình, khá hơn là trao đổi với láng giềng, chòm xóm. Tập quán lâu đời thiên về sản xuất nông nghiệp, trồng trọt cũng là một rào cản đáng kể trên con đường ra biển của người dân sống ven biển cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng.

 

Hái lượm các loại rong tảo biển, bắt các loại sò ốc, câu cá quanh gành bằng cần câu, đánh cá trong lộng bằng thúng chai, ghe nhỏ và lưới gai cùng với đứng bè rớ ở cửa sông là những kiểu đánh bắt quen thuộc lâu đời của ngư dân Quảng Ngãi và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đi dần ra phía biển, mạnh dạn thoát ly công việc ruộng đồng là những người đứng bè rớ của sông.

 

Vốn liếng đã lớn, lao động đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thu nhập cũng cao hơn, họ trở thành một nhóm nghề nghiệp đặc thù và được gọi là “nậu rớ”. Nậu rớ hành nghề chủ yếu vào ban đêm, nhớ con trăng, xem con nước (Ba mươi mồng một rớ cột nước lên), hiểu luồng cá đi. Vạn Thu Xà, thuộc làng Thu Xà (sau trở thành thị tứ Thu Xà), ở phía đông huyện Tư Nghĩa, hạ lưu sông Vệ nằm trong số những vạn bè rớ hình thành đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi.

 

Từ sông ra biển, từ ven bờ ra lộng, từ lộng đến khơi, cư dân ven biển, hải đảo Quảng Ngãi cũng như khắp vùng duyên hải miền Trung đã tiến những bước dài trong cuộc hành trình gian nan chinh phục sóng to, gió cả.

 

Ngư nghiệp với vị trí là một ngành kinh tế quan trọng đã ra đời, vừa mang lại cái ăn, cái mặc cho người dân, vừa đóng góp vào quốc khố, qua việc nộp thuế bằng tiền hoặc hải vật. Dọc theo bờ biển Quảng Ngãi, từ Tổng Binh đến Sa Kỳ, từ Thu Xà đến Kỳ Tân, An Chuẩn, từ Mỹ Á đến Sa Huỳnh đã hình thành những làng, vạn nghề cá, tấp nập ghe thuyền.

 

Đánh cá bằng lưới mành, lưới quét, câu mực ngoài khơi xa là một bước tiến đáng kể của ngư nghiệp Quảng Ngãi và cả nước. Lúc này hải sản đánh bắt được đã khá phong phú về chủng loại, dồi dào về số lượng. Các ngư trường ở vùng biển Quảng Ngãi vốn dồi dào về tiềm năng khai thác thuỷ hải sản đã trở nên quen thuộc với ngư dân Quảng Ngãi. Kỹ thuật chế biến cũng đã có sự chuyển biến đáng kể, với việc xử lý cá mực đánh bắt được trong các chuyến ra khơi dài ngày bằng phơi khô và muối mặn ngay trên thuyền. Đời sống ngư dân đã có phần cải thiện. Cùng với thời gian và thực tế lao động, kinh nghiệm đi biển của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Họ đã có thể nhìn trời, nhìn mây, nhìn màu nước biển mà phán đoán khá chính xác về thời tiết, về luồng cá di chuyển trên ngư trường.

 

 

Kinh nghiệm đi biển chắc chắn là một trong nguyên nhân quan trọng khiến triều đình tuyển chọn ngư dân Quảng Ngãi sung vào các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, bởi vì một chuyến đi trên biển kéo dài sáu tháng, ngoài sức khoẻ, lòng can đảm, ngư dân cần có kinh nghiệm dồi dào để kịp thời đối phó với những bất trắc có thể xảy ra trên biển bất cứ lúc nào.

 

Sản xuất ngư nghiệp vượt khỏi thời kỳ tự cung, tự cấp. Thuỷ sản đã trở thành hàng hoá có sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong tỉnh, trong nước; một số mặt hàng tham gia vào thị trường xuất khẩu qua ngã Thu Xà – Phú Thọ hoặc Hội An. Ghe kinh (ghe buôn bán đường sông) và nậu rỗi giữ vai trò quan trọng trong việc phân phối thuỷ hải sản nội địa, đặc biệt là vùng trung du, miền núi, vừa trang trải nguồn thực phẩm đến nhiều vùng trong tỉnh, vừa thu hút nguồn lợi lâm thổ sản phục vụ thị trường buôn bán ngoài tỉnh và xuất khẩu.

 

Cuộc hành trình hướng biển của bao thế hệ người Quảng Ngãi đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản hùng ca làm chủ biển khơi của người Việt trong lịch sử. Bản hùng ca ấy đã đang và sẽ còn vang vọng trong tâm tư tình cảm bao thế hệ ngư dân Quảng Ngãi, mặc cho sóng gió hung hãn của thiên nhiên và nhân tai.

 

Trông lên tới đỉnh Hòn Son/ Son còn đỏ rực anh còn ra khơi. Một hòn núi nhỏ ven biển huyện Bình Sơn gọi tên là Hòn Son. Có những buổi chiều về, hoàng hôn phản chiếu đỏ rực trên đỉnh núi rồi loang thành nhiều vệt màu đỏ thắm, lung linh trên mặt nước. Ngư dân tin rằng đó là điềm báo biển khơi lặng sóng, thuyền cá được mùa. Cầu cho miềm tin ấy mãi mãi còn ở lại, mãi mãi mang lại cho những người đi biển cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc!

 

Theo Nguyên Tú (Báo Quảng Ngãi)

Điền đầy đủ các thông tin trên!

Điền đầy đủ các thông tin trên!

Điền đầy đủ các thông tin trên!

Cẩm nang du lịch
667313
Ngày đăng: 21/03/2014
Trước khi đi tàu, không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ hay nhiều acid…
Khách sạn - Nhà nghỉ
5 Nhà Nghỉ Quỳnh Anh - Lý Sơn

200.000 đNgày/đêm

Sàn giao dịch TMĐT Lysontravel.org sở hữu bởi:

Công ty TNHH TM-ĐT Đại Dương Xanh

39 Bàu Cát 7, Phường 14, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: 0976.878.346

Mã số thuế: 0313307293 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. HCM cấp ngày 16/6/2015

Website đã đăng ký là sàn giao dịch

TMĐT với BỘ CÔNG THƯƠNG