Lý Sơn bình yên giữa mùa bão tố
Ngày đăng: 18/07/2014
TTO - Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp cùng sự hiếu khách cũng như những món ăn hấp dẫn đã tạo sức quyến rũ kỳ lạ cho huyện đảo này. Và giữa bao la sóng gió, Lý Sơn vẫn bình yên và đẹp đến nao lòng.
>> Nhà báo Thủ đô với huyện đảo Lý Sơn
>> Tour du lich ly son
Tôi có mặt tại bãi biển Tịnh Khê (Quảng Ngãi) hoang sơ khi mặt trời đã lặn sau những con sóng. Buổi sớm tỉnh giấc, không khí trong lành hòa cùng vị mặn nồng của biển ùa vào khung cửa. Thấp thoáng bóng những ngư dân đang trở về sau một đêm dài vất vả.
Mất khoảng 20 phút đi xe máy từ biển Tịnh Khê, tôi có mặt tại cảng Sa Kỳ. Nhờ sự giúp đỡ của một người phụ nữ tốt bụng, tôi đã có được tấm vé cho chuyến tàu sớm nhất ra đảo.
Tôi lần ra mũi tàu ngồi ngắm biển và trò chuyện cùng vài bác ngư dân lớn tuổi về cuộc sống của người dân trên đảo. Thi thoảng vài con cá chuồn lại phi lên khỏi mặt nước. Không để ý tới thời gian, rồi cũng nhận ra cầu cảng của huyện đảo Lý Sơn hiện ra trước mắt.
Tôi lấy xe, đổ xăng và chạy về phía tượng Quan Thế Âm bên chân núi hướng ra biển. Dưới chân núi là biển xanh cát trắng trải dài đến cổng Tò Vò.
Buổi chiều, qua sự giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp, tôi được Phú, một ngư dân, đưa đi tham quan quanh đảo. Dọc đường, Phú như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu cho tôi chi tiết lịch sử của từng ngôi chùa nằm dọc bãi biển, từng mùa trên đảo…
Phú dẫn tôi đến một cái giếng khơi nằm cách bờ biển tầm 10m. Giếng nước có tên gọi là Xó La nhưng người dân địa phương hay gọi là giếng vua, tức giếng nước được vua Gia Long cho quân lính xây dựng khi ông ra đảo. Phú bảo tôi uống thử, nước ở đây rất ngọt và mát, đặc biệt khi đun sôi không bị đục.
Điểm tiếp theo là âu tàu nằm ở phía bắc của đảo. Âu tàu đang trong quá trình xây dựng để trở thành một cảng cá lớn. Cả âu tàu đỏ rực màu cờ Tổ quốc.
Lý Sơn vốn được biết đến như vương quốc của loài tỏi, mùa tỏi kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng giêng. Người dân ở đây dùng đất bazan trải một lớp rồi trải tiếp lớp cát biển. Khi tôi đến đang là mùa trồng hành nên không có cơ hội thưởng thức món gỏi tỏi đặc sản của Lý Sơn.
Ngoài tỏi, người dân ở đây còn trồng thêm đậu, dưa hấu, hành… Trong mỗi bữa cơm, mọi người thường để một đĩa dưa hấu thái nhỏ ăn cùng với cơm.
Chạy đến một mỏm núi nằm nhô về phía biển, một cảnh tượng hùng vĩ hiện ra trước mắt. Đứng từ trên cao có thể bao quát toàn bộ âu tàu, ngọn hải đăng lớn và cánh đồng tỏi hình bàn cờ trắng xanh. Xa xa, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới...
Băng qua những cánh đồng hành và dưa hấu mênh mông, dọc theo con đường mòn dẫn tới chùa Hang nằm dưới chân núi Thới Lới. Ngôi chùa nằm trong lòng núi, bên ngoài có tượng Quan Âm và những cây bàng to lớn tỏa bóng mát xung quanh.
Hai anh em đi vào phía bên trong hang đá, đang giữa hè nhưng bước vào trong hang vẫn nghe cảm giác mát lạnh. Trước cửa hang là một bể chứa nước nhỏ xuống từ dải thạch nhũ. Phú cúi đầu múc một gáo rồi đưa tôi uống thử. Đây là một trong những nơi mà người dân địa phương và khách du lịch thường ra cắm trại và tắm biển. Vị trí tuyệt đẹp cho những kỳ nghỉ ngắn.
Phú mời tôi về nhà ăn bữa tối cùng gia đình, tôi xin phép được đi chợ. Tôi đến khu vực bán hải sản khi trời nhá nhem tối, lững thững một tay xách rau một tay xách cá. Mọi con mắt hướng về phía tôi một cách lạ lùng. Xa xa là tiếng cười của mấy chị bán cá, chị bán rau thì thầm với chị bán đồ khô rồi cả nhóm cười phá lên.
Tôi thấy khó hiểu và mãi sau bữa cơm tối cùng gia đình Phú tôi mới được biết ở đây đi chợ là việc của chị em. Chắc lâu lắm họ mới thấy một người đàn ông tay cầm con cá, tay cầm mớ rau tung tăng trong chợ. Những ngày trên đảo tôi còn được thưởng thức nhiều hải sản, đặc biệt cua huỳnh đế tươi ngon…
Mặt trời mọc, nở đỏ tràn trên những con sóng, điểm màu thêm con thuyền neo đậu phía xa. Trong hai ngày tôi đều dậy sớm đi quanh đảo thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ và trong lành, nói chuyện với những người dân sống trên đảo, những người đang ngày đêm lăn lộn với sóng với gió.
Họ đã kể cho tôi nghe về những chuyến đi biển dài ngày, đối đầu với thiên tai ập đến đảo và cả những chuyện làm đất trồng hành, trồng dưa… Nhưng chừng đó có lẽ chưa thỏa mãn tất cả những gì tôi muốn có được từ nơi đây, tôi tự nhủ sẽ quay lại đảo một lần nữa với thời gian dài hơn để thỏa sức tận hưởng những nét đẹp mà hòn đảo này được thiên nhiên ban tặng.
LÊ HỒNG HÀ - HOÀNG ANH