Bây giờ, khi hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng trên miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây khoảng 2 triệu rưỡi năm được đưa vào vận hành, khai thác; người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mới tin chuyện “tạo sự sống trong lòng cái chết” đã trở thành hiện thực.
Vì người dân biển đảo
Vượt xe máy lên con dốc “dựng đứng” dài 600 m, đứng trước hồ chứa nước Thới Lới, tôi không thể không choáng ngợp trước thiên nhiên vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng. Mặc dù đã tắt cách đây khoảng 2 triệu rưỡi năm, thế nhưng những khối nham thạch làm nên ngọn núi Thới Lới nằm trên địa bàn thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) vẫn còn cho thấy sự dữ dội khi ngọn núi lửa này phun trào.
Và giờ đây, giữa lòng chảo của khối nham thạch khổng lồ ấy, dòng nước trong xanh in bóng mây trời bảng lảng trôi trông mới thi vị làm sao. Đúng như lời phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn nói trước khi tôi đến đây: “Không chỉ là xi măng, sắt thép, hồ chứa nước Thới Lới còn được xây dựng nên bởi tình cảm sâu nặng của những nhà chức trách trong ngành nông nghiệp Việt Nam và của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dành cho người dân biển đảo Lý Sơn”.
Thấu đảo nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất của người dân huyện đảo tiền tiêu, từ năm 1989, khi tỉnh Nghĩa Bình (cũ) được tách thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khi ấy đã chỉ đạo ngành chức năng lập dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới, nằm trong quy hoạch thủy lợi của tỉnh nhằm hứng nước trời phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân Lý Sơn.
Tuy nhiên, sau đó dự án này chỉ dừng lại ở mức “ý tưởng”, vì mối lo ngại xây dựng hồ chứa nước ngay trên miệng núi lửa chẳng khác nào hứng nước để rồi “trút” vào lòng núi vì sự thẩm thấu của nó. Nếu còn sót lượng nước nào trong lòng hồ, chắc chắc sẽ bị cái nắng gió khắc nghiệt giữa biển khơi làm bốc hơi, vắt kiệt.
Con đập chắn hồ Thới Lới
Để làm rõ mối lo này, Bộ NN-PTNT cùng với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và các nhà khoa học quyết tâm vào cuộc. Những cuộc khảo sát địa vật lý, khảo sát địa chất công trình và những kiểm định tại hiện trường được các nhà khoa học đồng loạt triển khai, kết quả được trình Bộ NN-PTNT kiểm tra, thẩm định.
Sau khi chứng minh nước hứng được trong hồ sẽ không bị thẩm thấu vào lòng núi, Bộ NN-PTNT mới thỏa thuận công trình đảm bảo được yêu cầu giữ nước. Đến năm 2003, dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới chính thức được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt. Suốt 14 năm trông chờ, người dân huyện đảo Lý Sơn mới nhìn thấy tia hy vọng.
“Khi khoan khảo sát địa chất, các nhà khoa học nhận thấy ở dưới lòng hồ có tầng đất sét dày. Bản thân tầng đất sét này đã trữ nước, thì không có chuyện nước trong lòng hồ thẩm thấu vào lòng núi. Đây chính là niềm tin khả thi của công trình hồ chứa nước Thới Lới. Tuy nhiên, phải đến 7 năm sau, công trình này mới được bố trí vốn”, ông Nguyễn Mậu Văn nói.
Giọt nước, giọt vàng
Trước kia, lòng chảo của miệng núi lửa Thới Lới có 1 đoạn trống, để làm thành hồ chứa, phải xây đập chắn đoạn miệng chảo trống này lại. Con đập này được xây dựng dài 202 m, cao 11 m, rộng 1,6 m. Hoàn thành, hồ Thới Lới có dung tích chứa 270 m3 nước.
Nếu hồ chứa đầy nước, nguồn thủy lợi quý giá này có trọng trách cấp nước tưới cho 60 ha đất trồng tỏi, cấp nước sinh hoạt cho 1.000 người dân xã An Hải và cấp nước ngọt cho khoảng 300 tàu thuyền đánh cá.
Xây dựng 1 hồ thủy lợi có quy mô “bé tẹo” với ít ỏi hạng mục như hồ Thới Lới kể trên, nếu thực hiện dưới đồng bằng thì đó là “chuyện muỗi”. Thế nhưng khi thực hiện trên đỉnh ngọn núi lửa có độ cao 149 m so mặt nước biển thì quả là gian nan.
Ông Hồ Huỳnh Khương, phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và thủy lợi Quảng Ngãi, cho biết: “Để xây dựng công trình hồ Thới Lới cần đến 3.000 khối cát; 2.000 tấn xi măng; 6.800 m3 đá dăm, đá hộc và 100 tấn sắt... Toàn bộ số lượng vật tư kể trên đều được lấy từ thành phố Quảng Ngãi rồi vận chuyển dần sang đảo Lý Sơn”.
Riêng khoản vận chuyển vật tư chỉ mới nghe thôi đã thấy mướt mồ hôi. Vật tư được chuyển dần từng chuyến xe từ thành phố ra cảng Dung Quất. Rồi từ bến cảng chuyển xuống xà lang, từ xà lang vận chuyển ra cảng dân sự của huyện đảo Lý Sơn. Vật tư được đưa xuống tập kết tại dọc bờ biển thuộc bến cảng cách địa điểm xây dựng hồ 5 km, sau đó được “cõng” lên đỉnh núi Thới Lới.
“Lúc trời yên biển lặng thì xà lan còn chở được kha khá, nếu trời gió cấp 5 cấp 6 thì chỉ dám chở rất ít. Với chặng đường biển dài 20 hải lý, những chiếc xà lan nặng nề phải đi mất 2 ngày mới tới Lý Sơn, gian nan không kể xiết. Do đó, công trình nhỏ là vậy nhưng phải xây dựng 18 tháng ròng rã mới hoàn thành”, ông Khương nói.
Tháng 5/2012, hồ Thới Lới được đưa vào sử dụng, kịp phục vụ tưới cho 60 ha tỏi tại cánh Đồng Khô thuộc xã An Hải trong vụ đông xuân 2012-2013, hiệu quả trông thấy. Ngay cái tên Đồng Khô của vùng tỏi rộng 60 ha cũng đã nói được sự khát nước triền miên của vùng đất này.
Vùng Đồng Khô không đóng được giếng, nếu đóng được giếng nào cũng sâu hun hút. Muốn đủ nước tưới cho 1 sào tỏi phải mất 3 giờ bơm, mỗi giờ chi phí 170.000đ, vị chi mỗi lần tưới 1 sào tỏi ngốn hết 500.000đ. Vụ đông xuân vừa rồi, 60 ha trồng tỏi ở Đồng Khô ăn được nước hồ Thới Lới. Người trồng tỏi chỉ còn trả chi phí cho 1 khối nước là 5.000đ, tưới đủ nước cho 1 sào tỏi bây giờ chỉ mất 50.000đ/lần tưới, giảm đến 10 lần chi phí.
“Không chỉ vậy, trước đây do được tưới bằng nước bị nhiễm mặn nên cây tỏi ở Đồng Khô cho năng suất rất thấp, chất lượng tỏi cũng kém. Bây giờ được “ăn” nước ngọt tinh khiết được lấy từ trời, năng suất được tăng từ 40 tạ/ha lên đến trên 60 tạ/ha. Bình thường, tỏi trồng ở Đồng Khô 100 củ mới đạt 1 kg, bây giờ 30 củ đã đạt 1 kg, chất lượng tỏi cũng trở nên ngon hơn”, ông Mai Văn Sơn, chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết.
Từ hồ Thới Lới, có 12 km đường ống nhựa gồm đường ống chính và ống nhánh đưa nước xuống đến khu tưới. Nhiệm vụ khai thác hồ được Sở NN-PTNT giao cho UBND xã An Hải đảm trách. Khác với nhiều mô hình quản lý công trình cấp nước ở nhiều địa phương khác; công tác quản lý, khai thác hồ Thới Lới được tổ chức rất chặt chẽ.
“Tổ quản lý, khai thác hồ Thới Lới của xã do cán bộ phụ trách nông-lâm-ngư làm tổ trưởng. Nước được dẫn về hồ thấp dưới chân núi, nơi có 24 van xả cấp nước trực tiếp về đồng tỏi. Quản lý mỗi van cấp nước là 1 tổ thủy nông, mỗi tổ đảm trách 300 m đường ống nhánh. Ngoài cấp nước, các tổ này còn có trách nhiệm thu phí của người sử dụng. Mô hình quản lý từng khối nước nói trên đã nói lên tinh thần tiết kiệm nước rất cao.
Với người trồng tỏi ở Lý Sơn, mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng. Nhờ quản lý chặt nguồn nước là vậy, nên dù trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 vừa qua trên địa bàn Lý Sơn vắng mưa, nước chứa được trong hồ rất ít nhưng vẫn đủ tưới cho 60 ha tỏi suốt vụ đông xuân, sang vụ xuân hè còn tưới được cho mấy chục ha hành trong giai đoạn đầu. Hiện trong lòng hồ cũng còn được 1,5 m nước”, ông chủ tịch UBND xã An Hải Mai Văn Sơn, cho biết.
Hồ chứa nước Thới Lới ngoài mang lại hiệu quả kinh tế còn tạo được niềm tin trong nhân dân về sự quan tâm đặc biệt đối với người dân biển đảo của Nhà nước. Từ hiệu quả của hồ Thới Lới, UBND huyện Lý Sơn đang xin Nhà nước đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước trên miệng núi lửa Giếng Tiền nằm ngay chùa Đục thuộc địa bàn xã An Vĩnh. Nếu được, niềm nui của dân đảo Lý Sơn sẽ được nhân đôi”, ông Nguyễn Mậu Văn, phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi. |
Theo Nông nghiệp
Xem thêm: khách sạn lý sơn