(QNĐT)- Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa là những di tích nằm trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, cách cảng biển Sa Kỳ 15 hải lý, về phía đông bắc. Những di tích này liên quan đến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thành lập từ thời các chúa Nguyễn để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Âm linh tự làng An Hải, một công trình thờ tự đặc biệt
Âm linh tự (nghĩa tự, miếu âm hồn, miếu âm nhơn, am chúng sinh…) là một công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp trên khắp đất nước Việt Nam.
Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc…
>> Tour Lý Sơn giá rẻ
Âm linh tự làng An Hải
Thờ cúng ở Âm linh tự còn có những linh hồn là chiến sỹ trận vong, vì bối cảnh ác liệt của chiến trường nhiều khi xác thân không còn tìm được.
Người xưa gọi chung những đồng loại rơi và tình cảnh như vậy là “thập loại chúng sinh” và dành cho họ mối thương cảm mang đậm tình người. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết bài “Văn tế thập loại chúng sinh” (Văn Chiêu hồn), lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thể hiện sự đồng cảm sâu xa giữa những người đang sống với các cô hồn bạc phận.
Trong khi kiến lập đình, chùa để thờ Phật, Thánh, Thần mong cầu duyên, trợ phúc, người xưa cũng không quên dựng miếu vọng, nhang khói cho những cô hồn vất vưỏng còn chưa hóa kiếp, gọi là miếu âm hồn. Cũng có nơi cô hồn thờ chung trong nội thất đình làng, miếu bà tại một gian riêng. Nếu thờ ở ngoài sân thì bàn thờ âm linh được trí ở mặt sau bình phong, hướng đối diện với chính điện đình miếu.
Ngoài ra, nơi cửa Phật, bàn thờ cô hồn cũng được thiết riêng ở hiên phải của chùa, nơi đặt tượng Tiêu Diện Đại sỹ (dân gian gọi là Ông Tiêu), theo thuyết nhà Phật là một hoá thân của Bồ tát Quán Thế Âm làm nhiệm vụ chưởng quản, cứu độ cô hồn. Trong các buổi công phu kinh chiều, nhà chùa đều có cúng thí thực tại gian thờ này với ý nghĩa ban lộc cho những vong linh không người chăm sóc, thiếu vắng khói hương.
Theo quan niệm “Sinh hà, tử thị” (sống sao, chết vậy), trong các ngày lễ tết, cúng giỗ tại đình chùa, miếu tự cũng như ở tư gia đều có mâm cúng cô hồn để an ủi chia sẻ nỗi cô đơn của người bất hạnh.
Ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, hằng năm đến tiết Thanh minh (khoảng tháng 3 âm lịch) người dân tảo mộ và cúng tế các vong linh cô hồn ở các âm linh tự, nghĩa tự, gọi là cúng Thanh minh. Đây là nét khác biệt với cư dân Bắc Bộ, vì ngoài việc cúng cô hồn, cư dân ven biển miền Trung không có tục tảo mộ tổ tiên và ăn tết Thanh minh vào dịp này.
Âm linh tự làng An Vĩnh xây dựng tại một giồng đất cao, thoáng đãng ở thôn Tây xã An Vĩnh, cách cảng Lý Sơn chừng 500m về phía tây. Mặt tiền Âm linh tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong uy nghi bề thế.
Không giống với nhiều âm linh tự, nghĩa tự, miếu cô hồn ở những nơi khác, kể cả nghĩa tự làng An Hải trên cùng huyện đảo, Âm linh tự làng An Hải có mái che, các gian thờ bài trí quy củ, hàng năm tại đây diễn ra khá nhiều nghi lễ long trọng, có sự tham gia của đông đảo dân làng. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, kể cả những tư liệu là của riêng các gia đình, gia tộc được người dân tin tưởng đem lưu gởi.
Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng đầu thế kỷ XIX, hai làng An Vĩnh và An Hải (nay là xã An Vĩnh và xã An Hải) đã có đình làng và nghĩa tự. Tuy nhiên, đến khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ trước, đình làng An Vĩnh bị hư hại, dân làng rước các linh vị thờ thần hoàng, các vị tiền hiền về thờ ở Âm linh tự. Vì vậy, trong hơn nửa thế kỷ, Âm linh tự làng An Hải là nơi sinh hoạt tâm linh, lễ hội dân gian tập trung của cộng đồng cư dân sở tại.
Đặc biệt, vào tiết Thanh minh hằng năm bà con các dòng tộc làng An Hải tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự, một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng vọng và tri ân nghĩa liệt sỹ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, trú phòng trên các quần đảo, chống trả quân cướp biển để bảo vệ tàu thuyền, ngư dân cùng sự yên lành của làng quê đất đảo.
Sử cũ chép rằng, dưới thời chúa Nguyễn và tiếp sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạt hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.
Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sỹ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa).
Với những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng ròng lênh đênh sóng nước cùng những chiếc thuyền câu (điếu thuyền, tiểu điếu thuyền, di chuyển nhanh, dễ xoay trở trên những vùng biển nhiều rạn san hô), thường xuyên đối mặt với sóng cả, gió to, thì cái chết, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng hình hài.
Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thuỷ thủ can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.
Nếu không may người thuỷ thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển.
Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong trước sân Âm linh tự
Những người còn sống gởi lên cao xanh lời cầu nguyện mong manh rằng xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của con người đã vị quốc vong thân.
Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm… Cho đến nay người dân Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu ca nói về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ:
-Trường Sa đi có về không
Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi
-Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây
-Hoàng Sa trời bể mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa
Âm linh tự cũng là nơi ngư dân trước khi ra biển “đi nghề”, hoặc tha phương hành nghiệp đến cầu xin thần thánh và linh hồn cõi khuất phù hộ độ trì để được bình an, được mùa, làm ăn thành đạt. Trở về bình yên sau mỗi chuyến đi biển (đối với ngư dân) hoặc về thăm quê nhà (đối với người sống tha phương) họ cũng mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Ngoài đóng góp của các dòng tộc và dân làng, cơ ngơi khang trang của Âm linh tự cũng như lễ vật trong các dịp tế lễ có sự đóng góp thành tâm của những người làm nghề biển được mùa hoặc của những người Lý Sơn tha hương thành đạt. Âu cũng là một phong tục đẹp, sâu nặng ân tình, thuỷ chung gắn bó với quê đảo yêu thương.
Từ năm 2010, khi đình làng An Hải được phụng dựng, linh vị thần hoàng, các vị tiền hiền và tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải được rước về thờ tự ở đình làng. Tuy vậy, vong linh những người lính Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn còn được thờ vọng tại Âm linh tự và người dân thường xuyên đến dâng hương hành lễ.
Mộ lính Đội Hoàng Sa –dấu tích tâm linh về những người đi giữ biển.
Trên huyện đảo Lý Sơn cũng như ở nhiều vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi và cả nước có rất nhiều ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố, dân gian gọi là mộ gió.
Mộ gió Chánh đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật
Để có ngôi mộ gió cho người bạc mệnh, gia đình phải nhờ đến sự trợ giúp của một pháp sư. Sau xin cúng bái xin phép tổ sư, thầy pháp lên miệng núi lửa trên đảo lấy đất sét đem về, nhào với nước và bông gòn rồi nắn thành hình nhân theo sự mô tả nhân dạng của thân nhân, có kích thước tương tự thân thể người đã khuất.
Cành dâu được chẻ đôi, xếp vào bụng làm xương sườn, đàn ông có 7 nhánh xương, đàn bà thì 9 nhánh. Lại dùng sợi tơ tằm hoặc sợi vỏ cây dâu làm những sợi gân. Các lóng xương sống, xương tay chân đều được làm bằng thân cây dâu.
Hình nhân có đủ lục phủ ngũ tạng, kể cả bộ phận sinh dục. Thầy pháp phải nặn bằng hết số đất sét mang về, không bỏ sót chút nào vì người ta tin rằng số đất này tượng trưng cho da thịt của người chết, để sót lại sẽ làm đau như thể da thịt của họ bị mất mát.
Xong phần nặn hình, thầy pháp dùng lòng đỏ trứng gà phết khắp hình nhân để khi khô đi, lớp lòng trứng trông giống như da người. Tiếp theo đó, người thân mặc quần áo và đồ liệm cho hình nhân, đặt linh vị trên mặt, rồi đưa vào quan tài. Một cỗ thuyền cúng với những mâm lễ vật, vàng bạc và lương thực được đưa xuống biển để dâng lên các vị thần và cúng linh hồn người chết.
Khi các nghi lễ chiêu hồn đã xong, mọi người tin rằng linh hồn người chết đã trở về nhập vào hình nhân. Bà con, dòng họ đặt quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Trường hợp không biết ngày mất, người thân sẽ lấy ngày người quá cố ra khơi để làm ngày giỗ, thắp hương tảo mộ như những ngôi mộ bình thường. Nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, vì lý do nào đó khi đào lên cải táng, người ta thấy các hình nhân vẫn còn nguyên vẹn.
Linh vị Chánh đội trưởng Hoàng Sa Phạm Văn Biện
Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ và những ngôi mộ gió đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.
Xót thương những con người vì nước quên thân, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng cũng phụng mệnh theo đoàn người ấy. Ra đến đảo, ông sai người lên núi Giếng Tiền lấy đất sét đem về, rồi tự mình nhào nặn khối đất thành hình nhân 25 người đã chết. Cứ theo lời kể của thân nhân vị pháp sư nặn tượng hình người quá cố, đến khi nào người thân bảo rằng đã giống người chết mới thôi.
Nặn xong 25 tượng đất của 25 người lính, pháp sư lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng rồi sai dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ.
Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn, ngoài Phạm Quang Ảnh, còn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật… Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó lại không còn tên tuổi. Họ thực sự là những nghĩa liệt sỹ hy sinh vì nước mà không màng đến việc lưu danh trong sử sách.
Từ bao đời nay, mộ gió của những người lính Hoàng Sa suốt dặm dài lịch sử vẫn được người dân đất đảo hương khói, chăm nom để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân giữ cõi, bỏ mình trên khói sóng phong ba.
Âm linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia, theo Quyết định số 41/2007/QĐ-VHTT ngày 3/8/2007.
Lý Sơn – Quảng Ngãi, mùa biển động
Lê Hồng Khánh
tag: du lich ly son, khách sạn lý sơn