Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa

Nguồn gốc đội Hoàng Sa: 

Căn cứ trên các tư liệu, đội Hoàng Sa được thiết lập dưới thời chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn, 70 phiên chế hàng năm trong đội Hoàng Sa là người của làng An Vĩnh, An Hải trong đất liền, cả người làng An Vĩnh và An Hải ngoài Lý Sơn. Đến đầu thế kỷ XIX trở về sau, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh (nay là Lý Vĩnh) trên đảo Lý Sơn.

 

Xác định được điều đó là nhờ một phần căn cứ vào việc vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh, thuộc dòng họ Phạm tại An Vĩnh - Lý Sơn, làm cai đội đội Hoàng Sa vào năm 1815 (sau đó là Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám…), và trên các tư liệu điền dã thu thập từ những nhà thờ thuộc các tộc họ: Pham Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Mai (còn gọi là Ma), Nguyễn…, cũng như sự xác lập nguồn thông tin trên của nhân dân trên đảo Lý Sơn lẫn nhân dân ở vùng cửa biển Sa Kỳ. Theo nhân dân Lý Sơn, 70 định suất đi Hoàng Sa (và sau này cả Trường Sa) được chia đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, và được theo nguyên tắc luân phiên nhau, người con trưởng phải ở nhà lo việc tế tư, người con thứ phải đăng lính. Vì thế hầu như toàn bộ các tộc họ thuộc làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa.

 

Vật phẩm lễ chính tế (Ảnh internet)

 

Nghi thức tế tự:

Hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, tức trước ngày những người lính Hoàng Sa chuẩn bị xuống thuyền, các tộc họ trên đảo thực hành lễ khao lề thế lính, với ý nghĩa cầu mong cho người ra đi được bình yên trên dặm dài sóng nước. Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa (= khao tế), hay khao lề thế lính Hoàng Sa (= khao quân) là việc của gia đình và tộc họ, cũng có khi là việc của làng (nhưng hiếm khi làng tổ chức, bởi làng cũng tế ở đình làng vào thời gian này, và trong tế đình có khấn mời đầy đủ các tên tuổi những người lính Hoàng Sa đã bỏ mạng trên biển).

 

Tộc trưởng (hay chủ nhà) sẽ là người chủ bái trong khi hành lễ. Trưởng các chi phái sẽ là bồi tế. Ngày xưa, theo trí nhớ của những người cao tuổi, người đi lính Hoàng Sa sẽ đứng hầu thần suốt thời gian tế lễ. Ngoài các thành viên trong tộc họ, các gia đình, con cái, cháu chắt, những người đầu quân, trong lễ tế này phải có thầy phù thủy (thầy pháp). Thầy phù thủy với mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài là người điều hành lễ tế.

 

Ngày 20 là ngày chính tế, cả tộc họ phải chuẩn bị mọi thứ lễ vật, phân công công việc cho các thành viên trong từng chi phái, từng gia đình trước đó nhiều ngày. Kinh phí thực hiện lễ từ nguồn đất hương hỏa, hoặc ghe thuyền (ghe bầu, ghe buồm) của Ông Bà để lại mà con cháu canh tác hoặc sử dụng. Ngày nay, đất hương hỏa lẫn ghe thuyền Ông Bà để lại cũng đã từ lâu không còn, nên các tộc họ phải quyên góp trên cơ sở sự tự nguyện.

 

Thuyền lễ, sau khi tế lễ sẽ thả xuống biển (Ảnh internet)

Từ ngày 17 lễ cúng tế đã được bắt đầu suốt cả 3 ngày, nhưng lễ vật chỉ có trầu rượu, hoa quả. Trong 3 ngày này mọi thứ lễ vật được tiếp tục chuẩn bị, như làm thuyền lễ và bài vị. Đến 15, 16 giờ chiều 19 tháng 2 Âm lịch, chiêng trống gióng lên báo hiệu cho bà con tộc họ đến để làm lễ cáo yết. Trong lễ yết thầy pháp bắt đầu điều hành việc cúng tế ngoài sân. Đó là lúc thầy pháp nặn những hình nhân bằng bột gạo, hoặc bằng rơm rạ. 9 giờ tối người ta mổ heo, gà. Đến nửa đêm, vào giờ chuyển ngày, lễ tế chính sẽ được kéo dài hàng vài tiếng đồng hồ sau đó.

 

Lễ vật hiến tế trong nhà cho ông bà, tổ tiên, và các thần linh độ mạng (nhà thờ họ) có heo, gà và những thứ xanh tươi khác, tùy điều kiện, và theo các bước từ sơ hiến, á hiến, chung hiến. Thầy pháp không tham dự lễ cúng này. Lễ hiến tế ngoài sân cho những linh hồn đã chu du chín suối vì phải đi lính Hoàng Sa, Trường Sa theo lệnh vua, như câu ca“Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”, cho Thủy thần, các âm hồn, cho cả những người chết sông, chết biển khác, ngoài những thứ như trầu, rượu, vàng mã, thịt heo, xôi chè bắt buộc phải có: 1 con gà, 1 con cá nướng, 1 con cua, 1 món gỏi cá nhám. Đó là lệ bắt buộc, là thứ "xưa bày nay làm", không ai giải thích được vì sao phải cúng các phẩm vật như vậy. Bên cạnh các thứ phẩm vật đã nêu, trên đàn lễ còn có: muối, gạo, củi, mắm, nồi niêu…, là những thứ mà lính Hoàng Sa phải mang theo trên thuyền (và cũng là những thứ mà người đi làm biển phải mang theo).

 

Đặc biệt trong lễ tục này còn có: các linh vị, thuyền lễ và các hình nộm. Các linh vị được làm bằng giấy màu đỏ. Mỗi linh vị cao chừng 20cm, rộng 7cm, ở trên có danh tánh người lính Hoàng Sa trong tộc họ đã bị tử nạn. Trong tộc họ có bao nhiêu người tử nạn vì đi lính Hoàng Sa là có bấy nhiêu linh vị. Linh vị được dán trên bìa cứng, có nẹp gỗ, hoặc tre phía sau, và được cắm trên đài chuối cây (cắt theo chiều ngang thân chuối). Người ta đặt các linh vị này trên đàn cúng. Phía trước mỗi linh vị có 1 cây nến thắp sáng. Khi thầy pháp khấn cầu Bà Thủy Long cùng các thủy thần trả linh hồn người chết về cho tổ tiên, các linh vị sẽ được đốt ngay sau đó. Thuyền lễ cũng có đế bằng chuối cây, là 3 cây chuối dài khoảng 1,5m - 2m, được xâu lại với nhau bằng các thanh tre (đóng bè). Trên đế bè người ta gắn con thuyền làm bằng tre và giấy ngũ sắc, có buồm, cờ, phướn, như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa, Trường Sa. Chuẩn bị hiến lễ người ta đặt vào trong thuyền các đồ lễ: vàng mã, muối, gạo, nếp nổ, chè xôi, gỏi cá nhám, cua, cá nướng, đầu, chân, tiết, lòng gà, là những thứ được chia ra trên đàn cúng, và nhang đèn (ngày nay có người còn bỏ vào thuyền một ít đồng tiền lẻ vốn đang được sử dụng). Trong lễ tế khao lề thế lính người ta chỉ làm 3 hoặc 4 hình nộm bằng bột gạo (sau này có khi được thay bằng rơm, hoặc bằng giấy). Các hình nhân không có đầu (?), phía trên đội nón gõ, áo kẹp nẹp. 4 hình nhân đặt ở 4 góc thuyền, với quan niệm làm vững con thuyền. Như nếu chỉ có 3 hình nhân (đặt ở đầu, giữa, cuối mạn thuyền) là theo quan niệm "tam nhân đồng hành", và cũng theo cách hiểu là tổng lái, tổng mũi, tổng khoang (Dù trong dịp cúng thế mạng này trong họ có đến nhiều hơn, hoặc ít hơn 3 người phải đi lính Hoàng Sa. Ngày nay không còn người đi lính Hoàng Sa như thời trước, vì thế lễ tục này không mang ý nghĩa thế mạng nữa, chỉ còn là lễ tế lính Hoàng Sa. Nhưng người địa phương vẫn gọi theo tên gọi cũ: là khao lề thế lính, chứ ít khi gọi là khao lề tế lính). Sau khi thầy pháp cúng tế và làm các nghi thức bùa phép trước đàn thờ, "gửi tên tuổi và linh hồn (người sống)" vào hình nhân (theo lễ thức trước đây), thầy pháp đặt các hình nhân vào thuyền. Sau khi đặt vào thuyền các hình nhân, lễ tiễn đưa bắt đầu.

 

Đi đầu là những thanh niên mang cờ, phướn, tiếp theo là 4 thanh niên khiêng thuyền lễ, theo sau là thầy pháp, tộc trưởng, các chi phái trưởng, và đoàn người gồm bà con trong tộc họ, có cả những người trong làng, cùng đội chiêng trống. Ra đến bến thuyền, sau khi thầy pháp khấn vái thần linh bốn phương, thuyền lễ sẽ được thắp đèn rồi được thả xuống nước. Nếu nước cạn thì người ta sẽ dùng thuyền đưa thuyền lễ ra xa, rồi mới thả xuống biển. Kết thúc lễ tế (khoảng 3 giờ sáng ngày 20), thầy pháp và những người lớn tuổi sẽ về lại nhà thờ họ bắt đầu cuộc giao đãi. Lễ lộc cho thầy pháp sẽ thực hiện sau cuộc giao đãi này. Thanh niên trai tráng, phụ nữ phải đến 6 -7 giờ sáng mới được ngồi vào mâm. Vào buổi trưa sẽ có lễ tạ trong nhà lẫn ngoài sân, do tộc trưởng và các chi phái thực hiện.

 

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Như tục thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ những người có công với nước, khai khẩn, mở mang bờ cõi. Với việc trùng tu và tôn tạo lại nghi lễ này sẽ tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển, giúp quảng bá hình ảnh đảo Lý Sơn tới đông đảo mọi người.

 

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn có một ý nghĩa quan trọng nữa, đó là khơi dậy lòng yêu nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong tình hình chính trị diễn biến phức tạp như hiện nay, cần phải có những biện pháp khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của dân tộc, mà lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một minh chứng lịch sử rõ ràng nhất.

 

Ngày nay, để duy trì Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa, hằng năm huyện Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào dịp 15 đến 20 tháng ba, Âm lịch.

 

Theo Địa chí Quảng Ngãi

Điền đầy đủ các thông tin trên!

Điền đầy đủ các thông tin trên!

Điền đầy đủ các thông tin trên!

Cẩm nang du lịch
667313
Ngày đăng: 21/03/2014
Trước khi đi tàu, không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ hay nhiều acid…
Khách sạn - Nhà nghỉ
5 Nhà Nghỉ Quỳnh Anh - Lý Sơn

200.000 đNgày/đêm

Sàn giao dịch TMĐT Lysontravel.org sở hữu bởi:

Công ty TNHH TM-ĐT Đại Dương Xanh

39 Bàu Cát 7, Phường 14, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: 0976.878.346

Mã số thuế: 0313307293 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. HCM cấp ngày 16/6/2015

Website đã đăng ký là sàn giao dịch

TMĐT với BỘ CÔNG THƯƠNG